Văn hóa “xin chào” và sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp

Từ lâu, câu nói “xin chào” tuy đơn giản nhưng lại ẩn chứa cả nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Do đó, lời chào được xem là văn hoá ứng xử, có thể tạo nên nét riêng, độc đáo và làm tăng tinh thần gắn kết của mọi người trong doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng nói chung.
“Lời chào đi trước”
Hiện nay, lời chào hay lời cảm ơn, xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Thông thường khi mọi người gặp nhau thì câu chào sẽ được cất lên trước tiên. Câu chào biểu đạt chân thành, một mặt phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân, một mặt giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.
Trên thế giới, mỗi quốc gia lại có cách chào hỏi riêng. Ở nước Anh – xứ sở sương mù, người Anh luôn ghép từ Good (tốt) vào các danh từ Morning, Afternoon, Evening để thành câu chào. Còn người dân phương Tây có thể ôm hoặc hôn má giữa chốn công cộng, đặc biệt, trong gia đình vợ chồng thường trao nhau những cái ôm hoặc những nụ hôn ngọt ngào trước mặt lũ trẻ một cách vô tư.
Khác với các nước phương Tây, tại Nhật Bản, khi gặp nhau không bắt tay hay ôm hôn mà thay vào đó là cúi chào nhau. Đây được coi là một nghi thức khá phức tạp nhưng rất quan trọng trong giao tiếp. Người Hàn Quốc cũng cúi đầu chào hỏi như một nghi thức rất tự nhiên. Người dân nước này cũng có thể vừa cúi đầu chào, vừa bắt tay trong khi họ gặp nhau.
Đối với người Việt Nam, văn hoá chào hỏi rất được coi trọng, bởi giá trị “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Mọi người gặp nhau thể hiện bằng câu chào quen thuộc (chào bác ạ!) hay câu hỏi (anh/chị đi đâu đấy?)… Đi kèm với lời nói, người dưới khi chào người trên phải lễ phép để thể hiện sự kính trọng. Người lớn tuổi khi muốn tỏ ra thân thiện có thể kèm những hành động ôm eo, bá vai hay xoa đầu người ít tuổi hơn… Cho đến nay, lời chào hàng ngày đã có tính kế thừa trong cộng đồng, giữa gia đình, trường học, công sở hay doanh nghiệp.
“Xin chào” nâng cao văn hoá doanh nghiệp
Không chỉ là một từ để giao tiếp, mà cao hơn, xin chào còn thể hiện thái độ tích cực giao tiếp trong lời nói. Riêng đối với các doanh nghiệp, nói “xin chào” luôn được chú trọng và phát huy nơi công sở, thể hiện tình cảm, sự quan tâm giữa các thành viên.
Nhiều công ty dịch vụ, du lịch lấy lời chào làm “sống còn” để tạo thiện cảm, gần gũi ngay từ “cái nhìn đầu tiên” của khách hàng. Một Sun Group đã có cả một quy trình chi tiết về văn hoá “xin chào” để đào tạo tới từng vị trí nhân viên, đúng nơi đúng lúc, trân trọng du khách, chào khi khách đến, chào lúc khách đi… tại các khu du lịch Sun World. Hay hình ảnh đội ngũ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines luôn thân thiện cúi người, nở nụ cười “xin chào” đã trở nên rất thân thuộc trong mắt du khách trong và ngoài nước. Đơn giản tại công ty FPT, khách hàng rất hài lòng khi đến và ra về đều được nhân viên mở cửa, cúi đầu chào thân thiện với nụ cười niềm nở. Có thể thấy, rất nhiều đơn vị đã tạo dựng được thương hiệu, bản sắc riêng khi phát triển văn hoá này trong công ty.

Tại Danko Group, lời nói “xin chào” cũng được xem là một trong những quy tắc ứng xử, chuẩn mực cần thiết. Điều này nhằm hoàn thiện hành vi của CBNV Tập đoàn khi giao tiếp hàng ngày, góp phần nuôi dưỡng mối đoàn kết trong nội bộ, nâng cao văn hoá doanh nghiệp.
Cho đến nay, không thể phủ nhận lời chào hỏi chính là cách gây thiện cảm với người đối diện, đặc biệt khi đi kèm với một nụ cười thân thiện, gương mặt tươi tắn thì sức mạnh của lời nói càng được nhân lên. Và nó còn trở thành vũ khí tốt nhất giúp mỗi người hòa nhập với môi trường mới. Hơn nữa, với câu chào, mỗi người đã cất lên sự tồn tại của mình trong đám đông, mạnh dạn thể hiện bản thân khi bắt chuyện với người khác, xoá bỏ đi rào cản xa cách giữa người với người.
Lời chào hỏi là một nét đẹp văn hóa ứng xử, thể hiện nhân cách, đạo đức, trình độ văn minh hiện đại của con người, xã hội. Nó còn là “liều thuốc” tinh thần gắn kết mọi người trong cộng đồng và giúp cho văn hoá doanh nghiệp được thăng hoa phát triển mang dấu ấn riêng biệt, độc đáo.

Admin Web
Quản trị cấp cao nhất của website tuyển dụng